Cùng xây dựng hệ sinh thái vi mạch bán dẫn: Những gợi ý từ Hội thảo khoa học
Ngày viết:
10/24/2024
Ngày 23/10/2024, Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng đã cử 05 giảng viên tham dự Hội thảo khoa học “Đào tạo nguồn nhân lực công nghệ vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trong xu thế hội nhập”. Qua Hội thảo khoa học, nhà trường có kế hoạch định hướng phát triển ngành vi mạch bán dẫn trong thời gian tới.
Trong khuôn khổ hội thảo, có 4 bài tham luận trình bày chi tiết về hướng đào tạo chuyên ngành vi mạch bán dẫn, những thuận lợi, khó khăn và thách thức. Bên cạnh đó, Hội thảo cũng trình bày tham luận nhà máy thông minh - mô hình sản xuất tương lai.
Giảng viên trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng tham dự Hội thảo
Tại hội thảo, các chuyên gia phân tích SWOT (điểm mạnh, điểm yếu, thách thức và cơ hội) đối với ngành vi mạch bán dẫn có như sau:
- Điểm mạnh: Lĩnh vực điện tử đã được đào tạo trên 30 năm tại Việt Nam; Lĩnh vực vi mạch bán dẫn đã được một số Trường Đại học định hướng trên 20 năm; Mối liên hệ giữa trường Đại học và doanh nghiệp.
- Điểm yếu: Cơ sở vật chất cần được nâng cấp; Tuyển dụng Giáo viên mới gặp khó khăn; Đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn còn mỏng.
- Thách thức: Phần mềm, trang thiết bị đắt tiền; Năng lực ngoại ngữ của sinh viên còn yếu; Phải không ngừng đổi mới để đáp ứng nhu cầu thị trường.
- Cơ hội: Sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng vi mạch bán dẫn thế giới; nhu cầu cao về nhân lực vi mạch, bán dẫn của thị trường; sự quan tâm của Chính phủ, xã hội.
Trên cơ sở phân tích SWOT của các chuyên gia, đại biểu đã có nhiều ý kiến về định hướng phát triển của ngành. Đặc biệt có một số ý kiến lo lắng về đầu ra: khi sinh viên tốt nghiệp ngành này thì sẽ làm việc ở đâu? Có đào tạo hệ Cao đẳng liên thông lên Đại học được không? Đào tạo hệ Cao đẳng thì đào tạo những gì? Có thể tạo mối liên kết giữa các trường Cao đẳng, Đại học tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long để tạo ra một hệ sinh thái vi mạch bán dẫn trong khu vực để cùng phát triển không?,... Các câu hỏi được chủ tọa và các chuyên gia trả lời, giải đáp đưa ra định hướng trong tương lai một cách thỏa đáng.
Đoàn chủ tọa điều khiển Hội thảo
Ngoài các tham luận về ngành đào tạo vi mạch bán dẫn, các chuyên gia còn trình bày tham luận về nhà máy thông minh - mô hình sản xuất tương lai. Qua tham luận, các nhà giáo tham dự Hội thảo có cái nhìn tổng quan về nhà máy thông minh, phân biệt được mô hình cũ (mô hình tự động hóa doanh nghiệp) và mô hình mới (số hóa nhà máy, nhà máy thông minh), cách thức hoạt động của nhà máy thông minh như:
- Máy nói chuyện với máy; Máy nói chuyện với người.
- Mọi thứ được theo dõi theo thời gian thực.
- Dây chuyền sản xuất có thể được thay đổi tùy chỉnh trong vài giây.
- Máy móc được sửa trước khi hư hỏng dừng máy.
- Năng lượng tiêu thụ được tối ưu.
Qua hội thảo, các nhà giáo được cử tham dự sẽ có định hướng tham mưu cho lãnh đạo Trường về hướng phát triển trong đào tạo ngành vi mạch bán dẫn trong thời gian tới. Đồng thời, các giảng viên sẽ tiếp tục nghiên cứu, cập nhật những kiến thức mới về nhà máy thông minh vào các bài giảng để nâng cao chất lượng giảng dạy tại nhà trường, tiếp cận các công nghệ mới hiện đại.
Đại diện trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng chụp ảnh chung với
đại diện các trường Đại học, Cao đẳng và các chuyên gia trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn
- Hoài Thanh -
|