Thành tựu Nghiên cứu Khoa học - Điểm tựa đổi mới Giáo dục và Hội nhập
Ngày viết:
12/20/2024
Hoạt động nghiên cứu khoa học tại Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng được thực hiện dựa trên quy định quản lý các nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Các đề tài nghiên cứu tập trung giải quyết các vấn đề thực tiễn cấp bách của Nhà trường, gắn với nhu cầu cải tiến thiết bị dạy học, ứng dụng công nghệ mới vào đào tạo, nghiên cứu quản lý, thiết kế mô hình, cải tiến thiết bị, nông nghiệp công nghệ cao và sản xuất sạch.
Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng không ngừng đặt mục tiêu nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, đồng thời mở rộng hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước. Nhà trường khuyến khích giảng viên và học sinh, sinh viên tham gia nhiều hơn vào các hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, qua đó: Xây dựng môi trường học tập hiện đại, nơi học sinh, sinh viên được tiếp cận với các công nghệ và phương pháp học tiên tiến thông qua các sản phẩm nghiên cứu phục vụ thiết thực cho sản xuất, đời sống.
Trong năm, các đề tài nghiên cứu đã đạt được những thành tựu vượt trội không chỉ mang lại giá trị học thuật mà còn có tính ứng dụng cao, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và phát triển công nghệ. Nhiều mô hình hiện đại, như hệ thống điều khiển tự động hoặc robot tự động hóa, đã được thiết kế và sử dụng trong các tiết học thực hành, giúp học sinh, sinh viên tiếp cận với công nghệ tiên tiến và rèn luyện kỹ năng thực tế ngay từ khi còn trên ghế nhà trường.
Với sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ giảng viên và học sinh, sinh viên của 04 khoa nghề: Khoa Điện - Điện tử, Khoa Cơ khí, Khoa Khoa học Cơ bản và Khoa Nông nghiệp Thủy sản đã đóng góp tích cực vào sự phát triển toàn diện của Nhà trường với 24 đề tài nghiên cứu được đăng ký, có sự tham gia của 51 lượt giảng viên, học sinh, sinh viên, có 16 đề tài đã hoàn thành xuất sắc, mang lại giá trị thực tiễn cao trong giảng dạy, như: Quy trình chế biến trà bưởi túi lọc từ nguồn vỏ bưởi trồng tại Sóc Trăng: Kết hợp giữa khoa học và đặc sản địa phương, nghiên cứu này không chỉ tạo ra giá trị kinh tế mà còn mở rộng tiềm năng thương mại hóa sản phẩm; Mô hình sản xuất rau an toàn trong nhà lưới: Góp phần lan tỏa ý thức về sản xuất nông nghiệp sạch, đồng thời mang lại nguồn rau an toàn phục vụ đời sống; Tăng cường module nhận dạng, cảnh báo vật cản trên đường di chuyển cho mô hình điều khiển Mobile robot thông qua cử chỉ bàn tay sử dụng công nghệ xử lý ảnh: Ứng dụng công nghệ xử lý ảnh hiện đại, nghiên cứu này phục vụ trực tiếp cho việc đào tạo và phát triển các hệ thống tự động hóa; Xây dựng hệ thống lưu trữ, chia sẻ dữ liệu trực tuyến dựa trên mã nguồn mở Nextcloud: rèn luyện kỹ năng trong việc hình thành hệ thống quản trị file server dựa trên mã nguồn mở; Robot sử dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ tư vấn tuyển sinh: Một sản phẩm giúp tối ưu hóa quy trình tuyển sinh và nâng cao trải nghiệm của học sinh, phụ huynh khi tìm hiểu về Trường.
Bên cạnh các đề tài được nghiên cứu cấp cơ sở, còn có các bài đăng trên báo khoa học uy tín trong nước và quốc tế, không chỉ nâng cao uy tín khoa học của Nhà trường, mà còn mở ra cơ hội hợp tác nghiên cứu quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng công nghê, phát triển và đổi mới sáng tạo, như: Đa hình di truyền gene 5-hydroxytryptamine receptor 1D ở chó Vện; Tập tính sinh học, khả năng sinh trưởng và năng suất sinh sản của chó Vện; Nhận diện khuôn mặt và biển số xe để chống trộm xe; Phân tích động học của robot 6 chân.
Đây không chỉ là niềm tự hào của đội ngũ giảng viên và học sinh, sinh viên mà còn là động lực để Trường tiếp tục vươn xa, là minh chứng rõ nét cho tinh thần đổi mới và sáng tạo của Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng, sự đóng góp tích cực vào sự phát triển giáo dục và hội nhập, hướng đến mục tiêu: Nâng cao chất lượng đào tạo, Mở rộng quy mô nghiên cứu, Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, Ứng dụng rộng rãi kết quả nghiên cứu, Phục vụ cộng đồng địa phương, Thúc đẩy sáng tạo và khởi nghiệp.
Nghiên cứu khoa học không chỉ là nhiệm vụ mà còn là cầu nối để Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng đưa giáo dục nghề nghiệp tiếp cận gần hơn với nhu cầu thực tế của xã hội. Những nỗ lực này giúp giảng viên, học sinh, sinh viên phát huy tối đa tiềm năng sáng tạo, góp phần xây dựng nền tảng vững chắc cho nguồn nhân lực chất lượng cao, là nền tảng quan trọng giúp Nhà trường đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động và xu thế phát triển giáo dục hiện đại./.
Nguyễn Thị Mười.
Hình ảnh một số đề tài được Hội đồng xét, đánh giá
và công nhận kết quả nghiên cứu
Mô hình thực hành Truyền động điện tự động
Mô hình thực hành Điều khiển hệ thống kho lạnh
Mô hình két nước làm mát động cơ Toyota Vios
điều khiển quạt gió dẫn động bằng môtơ điện
Mô hình thực hành tháo lắp, kiểm tra, sửa chữa ô tô Nissan Bluebird
Quy trình chế biến trà bưởi túi lọc từ nguồn vỏ bưởi (Citrus grandis (L.) Osbeck) trồng tại Sóc Trăng
Quy trình chế biến một số sản phẩm từ nhãn Ido (Euphoria Longana) trồng tại Sóc Trăng
|